Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ sơ sinh gặp khó khăn khi đi tiêu khiến trẻ cảm thấy đau đớn, khó chịu.
Trẻ sơ sinh bị táo bón sẽ có tần suất đi tiêu thấp hơn bình thường (trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi: dưới 2 lần/ngày; trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: 3 lần/tuần). Tuy nhiên, trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn có thể đi tiêu không đều đặn nhưng bé vẫn không bị táo bón do hầu hết các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ đều được trẻ hấp thu và phân của bé vẫn mềm. Ngược lại, trẻ được nuôi bằng sữa công thức có thể đi tiêu nhiều hơn, 3-4 lần/ngày. Do đó, hầu hết các trường hợp trẻ bị táo bón đều có liên quan đến loại sữa, loại thức ăn bé đưa vào cơ thể để hấp thụ. (1)
Hơn nữa, khi đi tiêu, trẻ sơ sinh bị táo bón sẽ phải rặn nhiều vì phân cứng, có dạng viên nhỏ hoặc bết dính như đất sét, khó tống ra ngoài. Bên cạnh đó, bé có thể có các biểu hiện như: mặt đỏ ửng, đổ nhiều mồ hôi, đầy bụng, chán ăn, thường xuyên xì hơi, phân lẫn máu.
Tình trạng táo bón kéo dài có thể khiến trẻ hấp thu chất chinh dưỡng kém dẫn đến chậm lớn, suy dinh dưỡng. Đồng thời, trẻ không thể đẩy phân ra ngoài khiến trẻ phải rặn nhiều có thể gây phình đại tràng, sa trực tràng, trĩ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị táo bón
Trẻ sơ sinh bị táo bón có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Đối với trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn: Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn rất ít khi bị táo bón. Tuy nhiên, nếu mẹ có chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, thường xuyên ăn đồ cay nóng, ăn ít chất xơ hay tiêu thụ quá nhiều thức ăn chứa nhiều sắt, canxi, chất đạm… khiến sữa khó hấp thu, gây táo bón cho trẻ.
- Đối với trẻ sơ sinh dùng sữa công thức: Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non yếu và chưa hoàn thiện. Hơn nữa, thành phần các chất trong sữa công thức vượt khả năng tiêu hóa của trẻ gây nên tình trạng khó tiêu. Do đó, khi trẻ sơ sinh bắt đầu tiêu thụ các loại sữa công thức, trẻ sẽ bị khó tiêu, dẫn đến táo bón. Ngoài ra, trẻ có thể bị táo bón do cơ địa của trẻ không phù hợp với một số thành phần có trong sữa công thức, mẹ pha sữa không đúng tỷ lệ, quá đặc hoặc quá loãng, sữa chứa ít hoặc không có chất xơ Fructo Oligo Saccharid (FOS).
- Đối với trẻ ăn dặm: Dạ dày của trẻ đã làm quen với việc tiêu hóa các loại thức ăn trước đây nên khi mới tập cho trẻ ăn dặm, hệ tiêu hóa của bé chưa kịp làm quen với những loại thức ăn mới này, dẫn đến táo bón ở trẻ sơ sinh. Hơn nữa, chế độ ăn dặm chứa quá nhiều protein, canxi và tinh bột nhưng lại thiếu chất xơ và nước cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón.
- Trẻ dùng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh có thể được bác sĩ kê để điều trị một số bệnh do vi khuẩn gây ra nhưng nó lại vô tình tiêu diệt luông các lợi khuẩn trong đường ruột của trẻ gây loạn khuẩn đường ruột dẫn đến rối loạn tiêu hóa, táo bón…
Ngoài ra, tình trạng táo bón có thể chuyển biến nghiêm trọng hơn do khi đi tiêu, trẻ thường phải rặn gây cảm giác đau đớn cho trẻ. Điều này vô tình tạo thành một nỗi ám ảnh khiến trẻ sợ hãi khi đi tiêu. Từ đó, trẻ hình thành suy nghĩ cố gắng nhịn đi tiêu khiến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
Các cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh đơn giản, hiệu quả
Tùy thuộc vào các nguyên nhân gây táo bón, mẹ có thể tham khảo và thực hiện một số cách trị táo bón an toàn và hiệu quả như sau:
1. Đổi sữa cho bé
Nếu sữa công thức là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón, mẹ cần đổi cho bé loại sữa khác. Mẹ nên lựa chọn các loại sữa có thành phần chứa Probiotic, chất xơ FOS hay GOS,… Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo một số loại sữa dành riêng cho trẻ sơ sinh bị táo bón để cải thiện nhanh tình trạng táo bón cho trẻ.
Bên cạnh đó, mẹ nên lưu ý:
- Sữa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;
- Khi pha sữa, mẹ cần pha theo đúng tỷ lệ giữa sữa và nước theo đúng chỉ dẫn trên bao bì;
- Không hòa sữa chung với nước trái cây, cơm, cháo loãng hay các loại vụn thức ăn khác;
- Bình sữa của trẻ cần được vệ sinh và tiệt trùng trước và sau khi sử dụng.
2. Thay đổi chế độ ăn của mẹ
Đối với trẻ sơ sinh vẫn bú mẹ hoàn toàn, mẹ cần lưu ý cân chỉnh lại chế độ ăn uống của bản thân để điều trị táo bón cho trẻ. Để cải thiện và ngăn chặn táo bón cho trẻ sơ sinh, mẹ nên bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ: rau mồng tơi, rau dền, rau bina, ngọn khoai lang, mận, lê, táo,… Từ đó, tạo ra nguồn sữa chất lượng kích thích nhu động uông, giữ nước và làm mềm phân cho trẻ.
3. Bù nước cho bé
Trẻ sơ sinh bị táo bón cần được cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể. Đối với trẻ còn bú sữa mẹ, hầu hết các trường hợp trẻ bị thiếu nước là do sữa mẹ quá ít, trẻ bị nôn trớ sau khi bú, lười bú. Để giảm nguy cơ và cải thiện táo bón ở trẻ, mẹ nên đảm bảo bé bú đủ cữ và có thể tăng thêm cữ bú cho trẻ để đảm bảo lượng nước cần thiết cho bé.
Đối với trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi, mẹ nên bắt đầu tập cho trẻ uống nước bằng một vài thìa trong thời gian đầu và sau đó tăng dần lượng nước theo nhu cầu để đảm bảo lượng nước cho trẻ. Bên cạnh đó, mẹ nên bổ sung một lượng nhỏ nước ép hoa quả như táo, lê, nho, việt quốc vào chế độ dinh dưỡng của trẻ để kích thích hệ tiêu hóa, làm mềm phân. Tuy nhiên, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống nước trái cây lần đầu tiên.
4. Cho bé ăn các thực phẩm giàu chất xơ
Đối với trẻ sơ sinh đang trong độ tuổi ăn dặm, chế độ dinh dưỡng không cân bằng, thiếu chất xơ sẽ làm tăng nguy cơ bị táo bón. Do đó, bố mẹ cần chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để cải thiện tình trạng táo bón cho trẻ. Mẹ có thể bổ sung một số loại thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn dặm như: bông cải xanh, lê, mận khô, táo, đào, đu đủ, chuối, bí đỏ, cà rốt, bột lúa mạch, ngũ cốc nguyên hạt,… Điều này sẽ giúp tạo khối cho phân, kích thích nhu động ruột co bóp mạnh hơn, khiến thức ăn được di chuyển trong đường ruột dễ dàng hơn, từ đó giảm nhẹ tình trạng táo bón cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, các thực phẩm này còn tạo điều kiện cho lợi khuẩn phát triển, cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột, giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh. (3)
Tuy nhiên, mẹ cũng lưu ý đến cách chế biến rau củ để giữ được tối đa hàm lượng chất xơ và cung cấp đủ lượng chất xơ cho trẻ. cụ thể, khi chế biến các loại thực phẩm này, mẹ nên tránh nấu quá kỹ khiến hàm lượng chất xơ và vitamin bị giảm xuống. Bên cạnh đó, mẹ nên cho trẻ ăn cả phần nước và phần cái để đảm bảo bé được hấp thu đủ các dưỡng chất chứa trong các loại thực phẩm này.
5. Massage giúp bé đi đại tiện dễ hơn
Một trong những cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh đơn giản và hiệu quả là massage bụng cho bé. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái hơn, kích thích nhu động ruột giúp phân được đẩy ra ngoài dễ dàng hơn, giảm nhẹ tình trạng đầy bụng và táo bón của bé.
Cách massage bụng cho trẻ sơ sinh bị táo bón:
- Cho trẻ nằm ngửa, đặt bàn tay lên dạ dày của trẻ;
- Dùng các đầu ngón tay xoay tròn theo chiều kim đồng hồ và di chuyển dần xuống rốn đến đại trạng;
- Dùng mép ngón tay vuốt nhẹ từ khu vực lồng xương sườn xuống bụng dưới;
6. Tập thể dục mỗi ngày cho bé
Tập thể dục, vận động mỗi ngày có thể tạo kích thích cho nhu động ruột của trẻ, tạo lực co bóp mạnh để thúc đẩy thức ăn di chuyển trong hệ thống đường ruột, giúp phân được đẩy ra ngoài nhanh chóng và dễ dàng hơn. Do đó, mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ vận động hằng ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ chưa biết bò, mẹ có thể giúp bé tập thể dục bằng bài tập đạp xe đạp:
- Cho trẻ nằm ngửa, nắm nhẹ hai cổ chân của trẻ
- Di chuyển chân của trẻ lên xuống như đạp xe đạp
- Duy trì động tác này 10-15 phút
- Tập đều đặn cho trẻ 2 lần/ngày
Lưu ý, mẹ không nên tập luyện cho trẻ sau khi trẻ vừa mới được ăn no. Việc tập luyện ngay lúc này dễ khiến trẻ bị nôn ói, gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.
7. Tắm nước ấm cho bé
Tắm nước ấm cho có thể giúp giảm nhẹ tình trạng táo bón cho trẻ sơ sinh. Nước ấm sẽ giúp các cơ vùng bụng của bé được thư giãn, làm giảm nhẹ các triệu chứng táo bón, đồng thời kích thích nhu động ruột và các hoạt động của cơ vòng hậu môn giúp trẻ dễ đẩy phân ra ngoài hơn. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý chỉ tắm cho trẻ trong khoảng 5 đến 10 phút, tránh để trẻ bị nhiễm nước, cảm lạnh.
Ngoài ra, mẹ có thể cho trẻ ngồi trên một chiếc chậu chứa nước ấm để làm giảm nhẹ căng thẳng ở cơ vùng chậu, giúp trẻ đi tiêu dễ dàng, trơn tru hơn.
8. Sử dụng thuốc trị táo bón theo chỉ định của bác sĩ
Hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh bị táo bón đều có thể được chữa khỏi bằng các cách điều trị tự nhiên tại nhà. Tuy nhiên, khi các cách này không hiệu quả, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị, tránh tình trạng táo bón kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Lúc này, mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, đây nên là giải pháp cuối cùng được lựa chọn gì thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
Bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và hỗ trợ điều trị nếu trẻ có các biểu hiện sau:
- Phân kèm máu;
- Táo bón kéo dài;
- Trẻ đau đớn, quấy khóc dữ dội;
- Sụt cân;
- Mệt bỏ, lờ đờ, bỏ ăn…
Một số loại thuốc bác sĩ có thể kê trong toa thuốc điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh:
- Thuốc đạn Glycerin: Đây là một loại thuốc dùng để đặt vào hậu môn của trẻ, được áp dụng khi trẻ có dấu hiệu rách hậu môn, phân lẫn máu. Thuốc có tác dụng bôi trơn hậu môn, giúp phân di chuyển ra ngoài dễ dàng hơn, giảm ma sát và tổn thương lên các niêm mạc tại hậu môn.
- Thuốc nhuận tràng: Đây là loại thuốc chỉ được sử dụng cho trẻ bị táo bón trên 6 tháng tuổi. Thuốc có tác dụng làm mềm phân, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy phân ra ngoài dễ dàng, không gây tổn thương đến hậu môn.
Lưu ý: mẹ không tự ý mua các loại thuốc trị táo bón tại các quầy thuốc và cho trẻ uống khi không có chỉ định của bác sĩ.
_Cre: ST_